Đặc điểm kiến trúc của các tòa nhà văn phòng ở Việt Nam hiện nay
1. Đặc điểm tổ chức không gian
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) là hai đô thị có số lượng tòa nhà văn phòng nhiều nhất cả nước. Mặc dù khí hậu tại hai thành phố này có những điểm khác biệt nhất định nhưng đều có điểm chung là lượng bức xạ mặt trời rất cao và có gió mát xuất hiện vào mùa hè. Vì vậy, các công trình nói chung và công trình văn phòng nói riêng cần có những giải pháp che bức xạ mặt trời, tận dụng được gió mát trong một số không gian. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết mọi công trình được dùng làm văn phòng làm việc đều có không gian đóng kín, vỏ bao che công trình có tỉ lệ kính lớn và môi trường trong nhà được điều tiết bằng ĐHKK. Có thể kể đến những ví dụ điển hình, đó là Tòa tháp văn phòng Keangnam 72 tầng (Hà Nội), Tòa tháp Bitexco Financial (TP HCM), tòa nhà Eurowindow (Hà Nội) …
Các đô thị nằm ven biển của Việt Nam có lợi thế rất lớn để đón gió mát từ biển thổi vào hàng ngày. Bên cạnh đó, thời tiết ở các đô thị này ôn hòa hơn do biển có thể giảm thiểu những dạng thời tiết cực đoan (nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp). Không khí tại các đô thị ven biển trong lành và sạch sẽ, do đó nếu các công trình kiến trúc có giải pháp tận dụng không khí từ biển thổi vào sẽ rất có lợi cho tiện nghi môi trường trong nhà và sức khỏe của người làm việc.
Mặc dù vậy, các công trình văn phòng tại một số đô thị lớn ven biển như Hải Phòng, Đà Nẵng… đều có cách tổ chức không gian đóng kín, tiện nghi vi khí hậu trong nhà dựa hoàn toàn vào điều hòa không khí, không hề có những không gian mở hay giải pháp để đón nhận không khí biển. Nhìn vào một số tòa nhà văn phòng ở Hải Phòng, Đà Nẵng… (như tòa nhà DG, VIPCO, Trung tâm hành chính Đà Nẵng…) sẽ không thấy sự khác biệt nào trong cách tổ chức không gian với những tòa nhà được xây dựng ở các đô thị khác của Việt Nam hay những vùng khí hậu khác trên thế giới.
2. Đặc điểm sử dụng vật liệu trên mặt đứng
Giống với nhà chung cư hay các loại công trình khác, mặt đứng nhà văn phòng phần lớn gồm hai phần, là phần tường gạch đặc và phần tường kính. Tuy nhiên, tỷ lệ phần tường kính trên mặt đứng nhà văn phòng thường cao hơn các loại hình công trình khác, do yêu cầu cần tạo nên ngôn ngữ kiến trúc đặc trưng, cũng như do nhu cầu mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài của người làm việc.
Vật liệu kính
Trong khoảng 30 năm trở lại đây, do chính sách mở cửa và xu hướng hội nhập, hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng tại Việt Nam, đặc biệt là những công trình cao tầng đã có những thay đổi đáng kể theo hướng hiện đại hơn, đơn giản hơn. Một đặc trưng cơ bản của sự thay đổi này chính là tỷ lệ kính trên mặt đứng của công trình ngày càng tăng lên, bởi kính có khả năng xuyên sáng cao, dễ dàng đem lại cho công trình vẻ đẹp khỏe khoắn mà vẫn thanh thoát, hiện đại.
Ngày càng có nhiều loại kính xây dựng được nhập khẩu và sử dụng, chủ đầu tư, KTS có nhiều lựa chọn kính để sử dụng cho mặt đứng công trình. tuy nhiên việc sử dụng kính còn tùy tiện và lộn xộn. Các khu văn phòng cao tầng đều sử dụng những mảng kính cường lực lớn trên mặt đứng, không gian và tầm nhìn được mở rộng nhưng lại không giải quyết được bài toán tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Một số công trình tiêu biểu sử dụng mảng kính lớn ở Việt Nam có thể kể đến là: Tổ hợp trung tâm thương mại- văn phòng- khách sạn Grand Plaza (117 Trần Duy Hưng, Hà Nội), Keangnam Landmark Tower 72 (đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội), Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng (24 Trần Phú, Đà Nẵng), Tổ hợp Trung tâm thương mại – Văn phòng – Căn hộ cao cấp Lotte Centre (phố Đào Tấn, Hà Nội)… Mặc dù có hình thức hào nhoáng, hiện đại nhưng những công trình này lại hoàn toàn xa lạ với phong cách kiến trúc thoáng hở của miền nhiệt đới nóng ẩm, và tạo ra một cảm giác “ngột ngạt” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ở một số nước trên thế giới, những Quy chuẩn, Tiêu chuẩn về sử dụng kính cho vỏ bao che công trình đảm bảo yêu cầu chiếu sáng, cách nhiệt, cách âm… đã được ban hành từ khá lâu (ở Mỹ, quy định về sử dụng kính để đảm bảo hiệu quả năng lượng cho công trình đã được Hiệp hội kỹ sư điều hòa, thông gió và cấp nhiệt Hoa Kỳ ASHARE ban hành từ những năm 1990). Tại Việt Nam, tính đến thời điểm này, mới chỉ có duy nhất Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả QCVN 09: 2013 / BXD quy định việc lựa chọn và sử dụng loại kính phải phù hợp với hướng nhà và tỷ lệ mảng kính trên tường (WWR- Window to Wall Ratio) để đảm bảo hiệu quả năng lượng cho công trình. Quy chuẩn này mới được chính thức ban hành vào năm 2013 và đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng. Trong nhiều công trình xây dựng, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế chưa chú trọng tới nghiên cứu giải pháp sử dụng kính cho vỏ bao che công trình một cách nghiêm túc. Do đó, việc sử dụng kính ở nước ta còn khá dễ dãi, thậm chí còn có biểu hiện chạy theo hình thức, thiếu hẳn sự nghiên cứu đầy đủ các mặt lợi hại của kính, xem nhẹ hiệu ứng nhà kính dẫn tới sự tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng không tốt tới môi trường.